2023 là năm tương đối thành công của Huỳnh Trọng Khang khi cho ra mắt rất nhiều tác phẩm,áchhayTinhcầucủanhữnghạnhngộpom bao gồm tập truyện thiếu nhi Khu rừng trong chai, tiểu thuyết Bể trăng côivừa nhận giải Văn học trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM cũng như truyện dài Nơi không có tuyết. Dễ thấy là từ Mộ phần tuổi trẻlấy đề tài lịch sử gây xôn xao văn đàn, cho đến tập truyện Phật trong hẻm nhỏvà mới đây nhất là 2 tác phẩm có nhiều dấu ấn, thì nhà văn trẻ này đang dần khẳng định phong cách cũng như hướng đi của bản thân mình.
Chuyến đi để thấu lẽ đời
Cuốn sách xoay quanh hành trình chinh phục Hy Mã Lạp Sơn của một kỹ sư hành nghề cơ khí. Sau quá trình rong ruổi đó đây gặp được nhiều người, qua nhiều trải nghiệm, anh đã lắp ráp một chiếc phi cơ và rồi lên đường đến đỉnh núi tuyết. Giữa đêm cuồng phong gần như tuyệt vọng, anh gặp được một bông tuyết nhỏ, và cũng từ khoảnh khắc đó câu chuyện của 2 nhân vật đã xoắn vào nhau.
Không quá khó thấy tác phẩm mới này có sự tương đồng với Bể trăng côi. Đọc tác phẩm này, âm hưởng từ những áng thơ haiku của các tác giả như Bashō và Issa vẫn còn tràn ngập như tác phẩm trước. Huỳnh Trọng Khang sử dụng cả hai hình tượng trong một bài thơ của Issa: "Tuyết tan/và cả làng ngập tràn/tụi con nít" để kết cấu nên cuốn sách lần này. Bông tuyết và người kỹ sư như đại diện cho những điều lớn hơn và sâu sắc hơn, bởi lẽ trong khi tuyết nhẹ bay khắp mọi nơi mang tính không gian, thì những em nhỏ rồi sẽ phải lớn lại đại diện cho hướng trục thời gian.
Hai hình tượng này dù phát triển theo hướng đi nào, thì chính những gì mà họ cảm thấy đều tương tự nhau. Đó là ước mơ mang tính nguyên thủy của cả nhân loại đã bị hư hoại và bị nhuộm xấu bởi lòng tham và sự ganh ghét. Đó là con người "vào buổi ban trưa toàn cầu duy lý, biến khoa học thành thứ bùa thiêng yểm vào hết thảy tưởng tượng phiêu bồng". Đó cũng là cõi mà hết người này cho đến người kia cứ mãi ghen tuông, oán hận và thù ghét nhau lan từ đời này đến đời khác…
Vậy còn đâu nữa vẻ đẹp của sự hồn nhiên thiên tính, nơi con người ta bỗng thấy chính mình như được bé lại rồi được che chở bởi chính đất mẹ và cha mẹ mình? Cùng còn đâu những cuộc hành trình chỉ vì cái đẹp mà không mang theo chút lợi danh nào? Dịch giả Nguyễn Nam Trân từng viết trong cuốn Con đường hẹp vào chiều sâu tâm thứcrằng triết học của Bashō là "hòa mình vào đại tự nhiên, nhìn cuộc đời và sự vật lưu chuyển không ngừng để tìm ra nếp sống thuần khiết nhất, giống như cuộc đời những con người phong nhã rồi vĩnh viễn ra đi như họ ở giữa chừng cuộc lãng du".
Và các nhân vật của Huỳnh Trọng Khang cũng tương tự thế. Họ đi để mà học hỏi, để biết được ta "luôn bị hút xuống nhưng lại có quyền chọn lựa chỗ đáp". Họ cũng biết rằng nếu như các loài hòa đồng an tĩnh, thì cả vũ trụ này sẽ là một… Vì vậy như chính tác giả chia sẻ, dẫu tác phẩm này có thể cho thấy hiện thực khốc liệt, nhưng rồi "niềm tin về những điều tốt đẹp, trong sáng sẽ trở lại, bằng cách này hay cách khác". Và hành trình ấy chính là cơ hội để họ học hỏi, và như Bashō, là để lấp đầy chính con người mình.
Một cuộc tao ngộ của Hoàng tử bé
Nếu Bể trăng côigồm 2 mạch truyện gần như tuyến tính đan cài vào nhau, thì Nơi không có tuyết lại nhiều phức tạp và thể nghiệm hơn. Ở đây lối viết liên chủ thể đã được áp dụng, với các ngôi kể liên tục thay đổi và nối tiếp nhau. Từ người, hạt tuyết cho đến rất nhiều con vật… tất cả đều có vai trò như một vở kịch trên sân khấu lớn. Đây cũng là một ý niệm Bashō đã từng sử dụng trong việc tự thu nhỏ mình, từ đó trở nên tế vị (hosomi) đi vào vạn vật, xuyên vào những thứ nhỏ bé hoặc lớn lao.
Điểm đặc biệt khác là các "điểm mốc" bám vào hiện thực được chính tác giả tinh ý xây dựng một cách mơ hồ. Ở các phân đoạn nói về hiện thực khốc liệt, rất nhiều cuộc chiến, đa số địa danh… gắn với vết thương đến từ quá khứ đã được làm mờ và lướt nhẹ đi, từ đó giảm bớt tính chất xác định. Nó không chỉ mang đến sự nhẹ nhàng cho toàn cuốn sách, mà còn khiến cho câu chuyện trở nên phổ quát và rộng lớn hơn.
Cũng chính điều này rồi sẽ tạo ra những cuộc tao ngộ hoàn toàn bất ngờ. Nếu Bể trăng côi là cuộc hành trình của hai thầy trò được đặt bên cạnh chuyến đi rất dài của thầy Huyền Trang, thì ở Nơi không có tuyết, ta thấy những hội tụ này đã được ém kỹ, với nhân vật người phi công, chiếc máy bay rơi và xứ con người lặp đi lặp lại. Người ấy chắc hẳn không phải ai khác ngoài Antoine de Saint-Exupéry, người gắn với tuổi ấu thơ của rất nhiều người cùng với tinh cầu B612 và Hoàng tử bé.
Trả lời trong cuộc phỏng vấn, Huỳnh Trọng Khang đã bộc bạch: "Nơi không có tuyếtlà cái tên đeo đuổi tôi từ rất lâu, nhưng tôi không biết nó sẽ là tên cho một bài thơ, truyện ngắn, hay tiểu thuyết... Mãi cho đến năm nay, khi biết kỷ niệm 80 năm ngày xuất bản Hoàng tử bé, tôi mới nghĩ ra cần làm gì với với cái tên này. Có thể nói rằng tác phẩm lần này như một lời hồi âm của một độc giả thế kỷ 21 với tác phẩm mà anh ta yêu thích từ lâu". Sự yêu thích ấy không dừng ở đó, mà còn là sự góp mặt của một người khác dẫu thường vắng mặt, nhưng phong cách của nhân vật này rồi sẽ trở lại một cách xuyên suốt trong cả văn phong cũng như giọng điệu.
Đó là con người vào "độ trung niên, tiên phong đạo cốt trong bộ trang phục phi công sờn cũ. Ông tự nhận mình là con đười ươi trên chiếc tầu bay hay thi sĩ lỡ làng của muôn dặm quan san, hành giả bán dùi a ma tơ và người điên huy hoàng chuyên nghiệp toàn thời gian". Ông luôn nép mình ở nơi nào đó, nhưng rồi các chi tiết khác lại dẫn về đây, về cuộc hạnh ngộ giữa thi sĩ - dịch giả Bùi Giáng cùng với văn hào Saint-Exupéry trong một tinh cầu của sự ngây thơ và thuần nguyên nhất.
Bằng sự sáng tạo trong việc kết hợp rất nhiều triết lý cũng như câu chuyện giữa thơ haiku và Hoàng tử bé, Huỳnh Trọng Khang đã tạo nên một tác phẩm hấp dẫn, mới mẻ và độc đáo, với nghệ thuật viết thăng hạn cũng như đầy ắp bất ngờ, từ đó truyền đi thông điệp về sự tĩnh tại, bình yên trong tâm.
Nhà văn Huỳnh Trọng Khang sinh năm 1994, quê ở An Giang. Năm 2016, anh gây tiếng vang trên văn đàn với tác phẩm Mộ phần tuổi trẻ và đạt giải Phát hiện mới của giải thưởng Sách hay 2017. Anh được đánh giá là một trong những cây bút tạo được "nội lực" cho thế hệ những nhà văn mới.